Lịch sử tiến triển Thiết_giáp_hạm_tiền-dreadnought

HMS Dreadnought (1875) trình bày phần nổi trên mặt nước thấp đặc trưng cho các tàu chiến bọc thép có tháp pháo đời đầu. Không nên nhầm lẫn con tàu này, vốn được hạ thủy vào năm 1875, với hậu duệ nổi tiếng của nó được hạ thủy năm 1906, đánh dấu sự kết thúc của thời đại tiền-dreadnought.

Thiết giáp hạm tiền-dreadnought được phát triển từ những tàu chiến bọc sắt. Những chiếc tàu chiến bọc sắt đầu tiên, như La Gloire của Pháp và Warrior của Anh, giống như một tàu frigate chạy buồm, với ba cột buồm cao và dàn pháo hai bên mạn tàu, khi chúng được đưa ra hoạt động vào đầu những năm 1860. Chỉ tám năm sau, HMVS Cerberus, một chiếc monitor ụ pháo nổi được hạ thủy, rồi được tiếp nối chỉ ba năm sau đó bởi HMS Devastation, loại tàu có kiểu dáng tương tự như thiết giáp hạm tiền-dreadnought và là chiếc monitor ụ pháo nổi đi biển đầu tiên. Không có cột buồm, cả hai con tàu đều mang bốn pháo hạng nặng trên hai tháp pháo trước và sau. Devastation là một tàu monitor ụ pháo nổi, được chế tạo để tấn công bờ biển và hải cảng đối phương; vì có phần nổi trên mặt nước rất thấp, nó không có khả năng đi biển cần thiết để chiến đấu ngoài biển khơi; và khi sàn tàu bị tràn nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các khẩu pháo.[5] Hải quân khắp thế giới vẫn phải tiếp tục đóng những tàu chiến có cột buồm không tháp pháo, trang bị pháo bên mạn tàu, có đủ độ nổi trên mặt nước và đủ chắc chắn để đánh nhau ngoài biển khơi.

Điểm khác biệt giữa một tàu chiến tấn công bờ biển và một tàu chiến tuần tiễu biển khơi trở nên mờ nhạt với sự ra đời của lớp Admiral, được đặt hàng vào năm 1880. Những con tàu này phản ảnh sự phát triển trong thiết kế tàu bọc sắt, được bảo vệ bằng vỏ giáp ghép phối hợp sắt và thép hơn là sắt rèn. Được trang bị pháo nạp đạn bằng khóa nòng có kích cỡ từ 305 mm đến 413 mm (12 - 16 ¼ inch), lớp Admiral tiếp nối xu hướng của tàu chiến bọc sắt trang bị vũ khí khổng lồ. Các khẩu pháo được đặt trên các bệ pháo mở (không che chắn) để tiết kiệm trọng lượng. Một số sử gia xem những con tàu này là những bước cần thiết tiến đến kiểu thiết giáp hạm tiền-dreadnought; trong khi số khác lại có kiểu thiết kế lẫn lộn không thành công.[6]

HMS Ramillies (1892) là chiếc thứ tư trong lớp Royal Sovereign vốn đã có ảnh hưởng lớn.

Lớp Royal Sovereign tiếp theo sau vào năm 1889 giữ lại các bệ pháo mở nhưng được trang bị đồng nhất cỡ pháo BL 343 mm (13,5 inch); chúng cũng lớn hơn đáng kể với trọng lượng rẽ nước lên đến 14.000 tấn, và nhanh hơn Admiral nhờ có kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng. Một điểm khác không kém phần quan trọng, Royal Sovereign có phần nổi trên mặt nước lớn hơn, và là một thiết giáp hạm có khả năng hoạt động ngoài biển khơi rõ rệt.[7][8]

Thiết kế thiết giáp hạm tiền-dreadnought đạt đến độ chín mùi với lớp Majestic,[9] khi chiếc dẫn đầu của lớp này được hạ thủy vào năm 1895. Những con tàu này được đóng bằng thép cũng như có vỏ giáp toàn bằng thép, và các khẩu pháo được bố trí trên những bệ súng hoàn toàn kín, tức là những tháp pháo xoay thực sự. Chúng cũng sử dụng kiểu pháo chính 305 mm (12 inch), vốn nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật đúc và của thuốc phóng, trở nên nhẹ hơn và mạnh hơn so với pháo hạng nặng trước đây. Lớp Majestic trở thành kiểu mẫu cho việc chế tạo thiết giáp hạm của Hải quân Hoàng gia Anh cũng như hải quân nhiều nước khác trong những năm sắp tới.[10]

Liên quan